Bình luận về thông tin Nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam dự kiến dừng hoạt động vì thiếu tiền, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, cơ quan nhà nước cần nhanh chóng tìm hiểu thực hư để giải quyết tình trạng này, đảm bảo cung ứng xăng dầu trong nước.
Mới đây, Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn thông tin về việc ngừng hoạt động Tổ hợp hóa dầu Nghi Sơn. Cụ thể, công ty cho biết đang phải đối mặt với khó khăn nghiêm trọng về tài chính, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Không đủ nguyên liệu để sản xuất
Theo đó, Lọc hóa dầu Nghi Sơn phải hủy nhập 2 tàu dầu thô so với kế hoạch ban đầu. Từ ngày 18/1, Nhà máy đã phải giảm công suất vận hành từ 105% xuống 80%. Nguyên nhân là do vướng mắc tài chính với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chiếm khoảng 35% nguồn cung xăng dầu ra thị trường. |
Đặc biệt, Lọc dầu Nghi Sơn bày tỏ lo ngại có thể ngừng hoạt động hoàn toàn vào khoảng ngày 13/2 sắp tới do thiếu nguồn cung cấp dầu thô nếu tình hình hiện tại tiếp tục mà số dư tiền mặt không được cải thiện.
Theo nguồn tin của VnBusiness tại một doanh nghiệp phân phối xăng dầu lớn trên cả nước, 70% nguồn cung ứng xăng dầu của doanh nghiệp này đến từ nội địa, do vậy việc Lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất hoặc ngừng hoạt động sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.
"Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên, Lọc dầu Nghi Sơn trục trặc, giảm công suất, ngừng hoạt động. Chúng tôi đã có kinh nghiệm trong việc tìm phương án thay thế, song dù vậy khó khăn cũng như đội chi phí sẽ không nhỏ", vị này cho biết.
Trước thông tin trên, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, đã làm việc với Lọc dầu Nghi Sơn, các doanh nghiệp kinh doanh và phân phối xăng dầu. Bộ đã yêu cầu Công ty Nghi Sơn báo cáo tiến độ giao hàng, kế hoạch cung ứng xăng dầu với các thương nhân đầu mối xăng dầu để không ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu trong nước.
Đồng thời, Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp có kế hoạch nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong nước, cung ứng đủ, liên tục nguồn hàng xăng dầu cho các đơn vị tiêu thụ trong hệ thống.
Bộ Công Thương cũng khẳng định có trách nhiệm trong việc đảm bảo nguồn cung thị trường trong nước và sẽ có chỉ đạo để doanh nghiệp thực hiện nghiêm vấn đề này.
Không dễ tìm nguồn nhập thay thế
Trao đổi với VnBusiness, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, đúng là thiếu tiền thì doanh nghiệp không thể hoạt động được, không thể nhập khẩu dầu thô được. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần phải vào cuộc kiểm tra, xác thực thông tin, tìm hướng giải quyết theo cam kết, thỏa thuận giữa các bên.
Theo thông tin mà doanh nghiệp đưa ra việc thiếu nguyên liệu đầu vào sẽ dẫn đến giảm công suất, dừng hoạt động. Điều này tác động rất lớn tới nguồn cung ứng xăng dầu trong nước.
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đánh giá, việc tìm kiếm nguồn nhập khẩu thay thế nội địa thời điểm này sẽ rất khó khăn, chưa kể chi phí sẽ đắt hơn. Mặt hàng xăng dầu không phải "con cá ngoài chợ" cứ ra là mua được, mà phải có ký kết hợp đồng dài hạn.
"Xăng dầu không dồi dào đến mức lúc nào muốn nhập là nhập được. Chưa kể tại thời điểm này, giá dầu thô đang ở mức cao, điều này gây áp lực lên cung ứng xăng dầu trong thời gian tới", ông Bảo chia sẻ.
Trên thực tế, hiện nay giá xăng dầu thế giới đang tiếp tục chịu ảnh hưởng của các yếu tố chính về nguồn cung giảm do tồn kho dầu của Mỹ và sản lượng khai thác tại một số quốc gia giảm… nên giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng mạnh. Theo Bộ Công Thương, ngày 20/1, giá xăng RON 92 thành phẩm trên thị trường Singapore (tham chiếu để tính giá xăng dầu trong nước) là 97,99 USD/thùng; xăng RON 95 là 99,79 USD/thùng; dầu hoả giá 98,10/thùng, dầu diesel giá 100,64 USD/thùng, dầu mazut giá 508,58 USD/tấn.
Theo đó, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, đây là câu chuyện Nhà nước, các đối tác trong nước, đối tác nước ngoài về việc góp vốn, cơ chế hoạt động với nhau. Thỏa thuận giữa các bên thì chỉ có cơ quan nhà nước mới có thể giải quyết, đứng ra phân xử được.
Được biết, hiện Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn chiếm khoảng 35% nguồn cung xăng dầu ra thị trường. Việc đơn vị này giảm công suất, dự kiến dừng hoạt động sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu cho các doanh nghiệp phân phối trong nước.
Nhà máy do 4 liên doanh trong nước, quốc tế góp vốn, gồm PVN, Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait KPI (Kuwait), Công ty Idemitsu và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản), vận hành thương mại từ cuối năm 2018.
Theo thoả thuận với nhà đầu tư, Lọc dầu Nghi Sơn được hưởng ưu đãi, trong đó có thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 70 năm; được cấp bù (từ tiền của PVN) giai đoạn 2017-2027 nếu thuế suất áp dụng chung trên thị trường thấp hơn thuế ưu đãi; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm (chỉ phải nộp thuế suất bình quân 10% trong 70 năm sau đó).
PVN là đơn vị bao tiêu sản phẩm của Lọc dầu Nghi Sơn trong 15 năm, với giá mua buôn tương đương nhập khẩu cùng thời điểm cộng với ưu đãi thuế nhập khẩu 3-7% tuỳ chủng loại mặt hàng. Tại Nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV vào giữa tháng 11/2021, Quốc hội đã đồng ý cho PVN được sử dụng lợi nhuận sau thuế, sau trích các quỹ, để xử lý số tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Nhật Linh