Việc ùn ứ nông sản sang Trung Quốc là vấn đề cũ nhưng hệ quả mới. Ngành nông nghiệp cần nâng cao chất lượng, đừng ham xuất khẩu quá nhiều và phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc mà quan trọng là giá trị thu về bao nhiêu...
Chia sẻ với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã đề cập tới những điểm nghẽn trong việc làm ăn, giao thương nông sản với thị trường Trung Quốc, cũng như việc xây dựng thương hiệu, thị trường nội địa... Đây cũng là những bất cập trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế. |
Nông sản chưa vào sâu Trung Quốc là điều đáng buồn
Hiện, hàng nghìn xe chở nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn đang mắc kẹt ở cửa khẩu Lạng Sơn. Bà có nhìn nhận gì câu chuyện ùn tắc kỷ lục này?
- Tôi nghĩ về việc hàng hóa và hàng nghìn container ùn ứ ở cửa khẩu Trung Quốc là hệ lụy của cả sản xuất Việt Nam và công nghiệp chế biến không thay đổi được để giảm tình trạng xuất thô, tươi sang các nước khác, điều này càng khó cho xuất khẩu.
Mới đây, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh nhiều lần là phải chuyển đổi sang làm kinh tế nông nghiệp, tức là phải tính toán, làm cái gì thị trường cần, mình có thể đáp ứng như nào và đầu tư ra sao.
Làm kinh tế nông nghiệp là khác với tư duy làm nông nghiệp lâu nay, đặc biệt là bệnh thành tích chạy theo sản lượng, bất chấp có hiệu quả hay chất lượng như nào, lợi ích người trồng, lợi ích xuất khẩu bao nhiêu?
Khía cạnh thứ hai là thị trường. Với thói quen của nông nghiệp cũ, nông sản Việt Nam vẫn chủ yếu đặt mình vào địa vị phụ thuộc vào thị trường các nước khác, xưa nay bị ám ảnh coi Trung Quốc là thị trường dễ tính, có nhu cầu lớn, hàng tỷ người, có nhu cầu gạo, trái cây… mà các nước nhiệt đới như Việt Nam có để coi họ dễ tính, xuất lúc nào cũng được.
Coi họ dễ tính là cứ thế nhằm vào. Nhưng không thấy càng ngày họ càng nâng chất lượng của mình lên, càng ngày họ càng khó tính hơn, kiểm soát gắt gao tồn dư hóa chất, an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân nước họ.
Chúng ta cần thấy rằng buôn bán với Trung Quốc cũng có một loạt vấn đề về thị trường, trong đó quan trọng là vấn đề về hợp đồng, thời gian giao hàng, thanh toán hoặc hợp tác giải quyết khi phát sinh khó khăn. Khá nhiều người buôn bán với Trung Quốc vẫn theo hình thức hạn ngạch, trao hàng giao tiền, chọn cái khó về mình, trong khi đó thương nhân nước bạn không chịu ảnh hưởng gì từ những sự kiện ùn ứ hàng như trên. Đây là vấn đề cũ nhưng hệ quả thì luôn mới.
Như bà vừa về cập, việc ùn ứ, tắc đường xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc không mới nhưng lại gây ra những hệ quả không hề nhỏ. Tại sao câu chuyện này bao năm vẫn cứ tái diễn?
- Tôi cho rằng nguyên nhân sâu xa vẫn nằm ở việc người sản xuất Việt Nam chưa nắm rõ về yêu cầu từ thị trường Trung Quốc.
Do vậy, Nhà nước phải thông tin được cho người nông dân, doanh nghiệp biết là thị trường Trung Quốc có nhu cầu nhưng nhu cầu của họ là như nào? Phải đáp ứng tiêu chuẩn ra sao, lúc này họ đang dựng lên một loạt hàng rào mới với lý do COVID-19... Nhà nước cũng phải thông báo cho doanh nghiệp, người dân. Hay trường hợp khó khăn về kiểm tra, giám sát cũng rất ít cảnh báo mà chỉ dừng ở khuyến cáo, để thành ra như thực trạng như hiện nay.
Dường như chúng ta vẫn chấp nhận phận gia công, vẫn không tạo được thế chủ động cho mình. Tại Trung Quốc, một thị trường 1,4 tỷ dân, họ đã là nước có GDP cao, nước giàu rồi, chúng ta ngay sát bên cạnh, không tìm hiểu được thị trường, không vào được các đại siêu thị của họ thì quả là điều đáng buồn.
Dẫu biết rằng, sự cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc là rất ghê gớm, thương hiệu Việt Nam không dễ và rất khó vào được, đều phải vào bằng một thương hiệu Trung Quốc khác, nhưng như thế chúng ta càng đánh mất mình. Phải tìm cách nâng tầm thương hiệu Việt, để họ chọn thương hiệu Việt chứ không phải ruột sản phẩm Việt mà vỏ lại là thương hiệu Trung Quốc.
Về sản xuất, lâu nay, chúng ta hô hào sản xuất cây gì, con gì, chứ không hướng thị trường như nào, chất lượng ra sao và thị trường của họ vận động thế nào?
Đừng vui với thành tích xuất khẩu mà quên thị trường nội địa
Bà vừa đề cập tới câu chuyện xây dựng thương hiệu cho nông sản ở thị trường Trung Quốc, song ngay cả việc bảo vệ thương hiệu ở thị trường Việt Nam cũng rất khó khăn. "Cha đẻ" của giống gạo ST24, ST25 (gạo ngon nhất thế giới) vừa "kêu cứu" Tổng cục Quản lý thị trường để bảo vệ thương hiệu là một ví dụ.
- Đúng vậy, như trong ngành lúa gạo mấy chục năm rồi, chúng ta vẫn chưa xây dựng được thương hiệu gạo Việt Nam. Liên quan tới sự việc trên rõ ràng ngay khi gạo ST25 được chứng nhận là gạo ngon nhất thế giới, chúng ta đã thiếu những chính sách hỗ trợ để ông Hồ Quang Cua có thể nhân rộng, xây dựng thương hiệu cho ST25.
Điều này đã khiến ngay sau đó, gạo ST25 vướng phải hàng loạt khó khăn trong việc bảo vệ thương hiệu ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Ông Cua là một nhà khoa học, nên việc đã không hỗ trợ để họ bảo vệ sản phẩm của mình, đó là lỗi của cơ quan quản lý nhà nước.
Cứ nhìn những câu chuyện như vậy, làm tốt cũng không được hoan nghênh, hỗ trợ, thì làm sao nâng được chất lượng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Vì thế, hệ quả là cứ làm nhiều thì càng tốt, thị trường trong nước không tiêu thụ hết được lại đẩy sang Trung Quốc vẫn với suy nghĩ họ dễ dàng. Bao nhiêu lần họ đóng cửa khẩu như vậy mà chúng ta vẫn không rút được kinh nghiệm, bị động đối phó.
Một vòng luẩn quẩn không thoát được ra, doanh nghiệp nông nghiệp vật lộn với bài toán liên kết và thị trường, trong khi đó chúng ta có những nông dân giỏi nhưng quá ít, không đủ để tạo thành trào lưu lan tỏa rộng, hoặc những chính sách đi cùng để thành công trên một diện rộng.
Chúng ta cứ nói là nước nông nghiệp, nhưng nông nghiệp manh mún, mạnh ai nấy làm và sự liên kết cùng đi, cùng tiến vẫn chỉ ở lời nói, tiềm năng. Đừng trách người nông dân manh mún, không liên kết mà chúng ta phải trách chính những chính sách của chúng ta manh mún.
Vừa rồi tôi thấy Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan dự Hội nghị MeKong Connect 2021, đưa ra vấn đề kết hợp giữa TP.HCM với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để sản xuất, cung ứng và liên kết chuỗi nông nghiệp. Đây là việc cần làm ngay và làm hiệu quả để kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng.
Quay trở lại câu chuyện xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, có giải pháp căn cơ nào để giúp chúng ta giải quyết vấn đề này, thưa bà?
- Đối với chuyện ùn ứ hàng sang Trung Quốc, theo tôi vẫn phải giải quyết vấn đề căn cơ, trước mắt, đừng có ham xuất khẩu quá nhiều, phụ thuộc quá lớn vào họ. Việt Nam có một nghịch lý là lúc nào cũng hô hào xuất khẩu, vui với giá trị xuất khẩu mà quên thị trường trong nước, nhưng khi xuất khẩu không được lại hô hào bà con trong nước hỗ trợ, trong khi các sản phẩm đó vốn dĩ thị trường trong nước có thể được tiêu thụ.
Hãy học các nước Đông Bắc Á, tiêu chuẩn thị trường nội địa của họ cao hơn xuất khẩu, nhưng lâu nay chúng ta làm điều ngược lại, chúng ta nợ người tiêu thụ trong nước một ân tình, một câu trả lời là bao giờ của ngon vật lạ mới được bán trong nước thay vì chỉ đi đãi xứ người. Món nợ này cần được giải quyết sớm.
Về thị trường xuất khẩu, hiện nay phải nhấn mạnh là yêu cầu đã thay đổi, các nước đều phải nâng chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng của họ.
Đặt câu hỏi, chúng ta có muốn ăn những của ngon, vật lạ, nhưng phải là của ngon an toàn, không có dư lượng kháng sinh, không có thuốc bảo vệ thực vật. Ai cũng muốn như vậy, thế giới sẽ thay đổi theo chiều hướng như vậy, nếu chúng ta không chịu thay đổi thì sẽ thất bại.
Người tiêu dùng khắt khe hơn để bảo vệ sức khỏe của mình, thà họ không ăn còn hơn ăn mà độc hại. Đừng duy trì rau hai luống, lợn hai chuồng nữa, cần nâng chất lượng để có hiệu quả bền vững, lâu dài.
Xin cảm ơn bà!
Nhật Linh thực hiện